Friday, October 7, 2022

 


1.       CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 09/2022

1.1. Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ban hành ngày 22/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Quyết định số 1606/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 23/09/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý:

·        Một là, quy định về các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 1606/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

1. Lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm.

2. Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.

3. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.”

·        Hai là, quy định về thời gian có hiệu lực của Quyết định số 1606/QĐ-NHNN.

Cụ thể, Điều 2 Quyết định số 1606/QĐ-NHNN quy định:Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.”

1.2. Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ban hành ngày 22/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 1607/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 23/09/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý:

·        Một là, quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 1607/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:

1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.

2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.

·        Hai là, quy định về thời gian có hiệu lực của Quyết định số 1607/QĐ-NHNN.

Cụ thể, Điều 2 Quyết định số 1607/QĐ-NHNN quy định:Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

2. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.”

1.3. Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 11/2022/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 01/04/2023.

Một số nội dung có thể lưu ý:

·        Một là, quy định về những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định:Điều 5. Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng

Khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.”

·        Hai là, quy định về yêu cầu đối với khách hàng.

Cụ thể, Điều 11 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định: Điều 11. Yêu cầu đối với khách hàng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;

c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.”

1.4. Thông tư số 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (sau đây viết tắt là “Thông tư số 12/2022/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 15/11/2022.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định theo dõi vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, Điều 27 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 27. Theo dõi vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên đi vay không bắt buộc phải mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài.

2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên đi vay có trách nhiệm thực hiện việc theo dõi các giao dịch liên quan đến việc vay nước ngoài của mình theo đúng các quy định hiện hành về hạch toán, kế toán đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chịu trách nhiệm và đảm bảo thực hiện các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài theo đúng nội dung văn bản của Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”





Search This Blog

Translate

Popular Posts