Friday, April 28, 2023

CẬP NHẬT PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH TÍN DỤNG (BẢN TIN THÁNG 04/2023)



1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/04/2023

1.1. Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 11/2022/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 01/04/2023.

Một số nội dung có thể lưu ý:

·        Một là, quy định về những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định:Điều 5. Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng

Khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.”

·        Hai là, quy định về yêu cầu đối với khách hàng.

Cụ thể, Điều 11 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định: Điều 11. Yêu cầu đối với khách hàng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;

c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.”

1.2. Quyết định số 574/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 574/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Quyết định số 574/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 03/04/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 574/QĐ-NHNN quy định: Điều 1. Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

1. Lãi suất tái cấp vốn: 5,5%/năm.

2. Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.

3. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.”

1.3. Quyết định số 575/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 575/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 575/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 03/04/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 575/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:

1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.

2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm.”

1.4. Quyết định số 576/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 576/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Quyết định số 576/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 03/04/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 576/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.

2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.”

1.5. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/04/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (sau đây viết tắt là “Thông tư số 02/2023/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 24/04/2023.

Một số nội dung có thể lưu ý:

·        Một là, quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định:Điều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:

1. Dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.

5. Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

8. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.”

·        Hai là, quy định về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định: Điều 5. Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (sau đây là khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ) theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này.

2. Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Đối với số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

1.6. Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/04/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (sau đây viết tắt là “Thông tư số 03/2023/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 24/04/2023.

Một số nội dung có thể lưu ý: Ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định: Điều 1. Ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo quy định tại Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN;

b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;

c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.”

1.7. Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

v  Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ban hành ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 17/2022/TT-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 01/06/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 17/2022/TT-NHNN quy định:Điều 6. Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng

1. Tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ để quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng và quy định nội bộ về kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng.

2. Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

a) Nhận dạng, phân loại đề nghị cấp tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng;

b) Thông tin cần thu thập phục vụ công tác quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng;

c) Đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này;

d) Quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng;

đ) Báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.”

2.       CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 03/2023

2.1. Quyết định số 313/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 313/QĐ-NHNN ban hành ngày 14/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Quyết định số 313/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 15/03/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 313/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

1. Lãi suất tái cấp vốn: 6,0%/năm.

2. Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.

3. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.”

2.2. Quyết định số 314/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016

v  Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 314/QĐ-NHNN ban hành ngày 14/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 314/QĐ-NHNN”)

v  Ngày có hiệu lực: 15/03/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 314/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm.

2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng việt Nam là 6,0%/năm.”



Search This Blog

Translate

Popular Posts